"Nếu chúng ta không kìm lạm phát ở mức một con số thì tác động về kinh
tế và tâm lý xã hội rất lớn. Bởi vì lạm phát là thuế vô hình đánh vào
toàn dân. Mà người thu nhập càng cố định thì thiệt hại càng lớn”, ĐBQH
Trần Du Lịch nói.
ĐBQH Trần Du Lịch (ảnh: Việt Hưng).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10
tháng đầu năm đã tăng tới 7,58%, rất gần với mục tiêu 8% mà Chính phủ
đưa ra. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến chỉ số giá thời gian qua?
Tôi cho rằng, trong năm
2010 mà giữ chỉ số CPI ở mức một con số là thành công. Ngay cả mục tiêu
Quốc hội đưa ra là 7%, rồi sau đó Chính phủ trong điều hành chính sách
tài khóa - tiền tệ nâng lên 8% là những ý tưởng mang tính quyết tâm để
chúng ta kiềm chế thôi.
Còn thật sự các chuyên gia, nhà kinh tế và ngay bản thân tôi, cuối
năm ngoái cũng đã dự báo và đề xuất năm 2010 chủ động kiềm chế tốc độ
lạm phát ở một con số.
Việt Nam khác hoàn toàn các nước khác khi bước vào năm 2010. Trong
khi các nước tập trung chính sách tài khóa - tiền tệ phục vụ mục tiêu
phục hồi tăng trưởng, nghĩa là nới lỏng để phục hồi; thì Việt Nam lại
đứng trước một mâu thuẫn vừa muốn phục hồi tăng trưởng, vừa muốn chống
lạm phát.
Lạm phát của Việt Nam xuất phát từ cơ cấu kinh tế và đặc biệt là
với một cơ cấu kinh tế phải luôn ứng phó với nhập siêu, làm cho mất cân
đối nghiêm trọng về cán cân thanh toán quốc tế tổng thể.
Chính sự thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như vậy áp lực lên giá trị
đồng tiền, áp lực lên tỷ giá… chưa kể nền kinh tế của Việt Nam có một
chi phí rất cao, thành ra nguyên nhân lạm phát từ chi phí cũng không
tránh khỏi được.
Chính vì thế, kiềm chế lạm phát năm nay ở một con số là thành công và tôi nghĩ sẽ xoay quanh 9%.
Theo ông, diễn biến chỉ số CPI 10 tháng đầu năm có bất thường?
Diễn biến chỉ số CPI không theo các quy luật những năm gần đây, do
độ trễ của khối chính sách kích cầu năm ngoái phát huy tác dụng chậm
hơn, nguồn chi từ đầu tư, riêng chuyện chúng ta tập trung cho các loại
trái phiếu Chính phủ phục vụ các dự án cũng tác động rất lớn.
Đầu năm ngoài bội chi ngân sách bình thường, Chính phủ phát hành
đến 45.000 tỷ trái phiếu và dòng tiền bơm vào thị trường tác dụng ngay
cuối quý 3 vừa rồi. Năm 2010 khuynh hướng chi tiêu cũng tăng rất cao vì
do chúng ta có nhiều ngày lễ lớn, nhiều hội.
Còn 2 tháng cuối năm là thời điểm những công trình đầu tư giải
ngân, quyết toán giải ngân nên dòng tiền sẽ tăng mạnh hơn. Nếu kiềm chế
được ở mức dưới 1%/tháng là giỏi và CPI cả năm sẽ quanh mức 9%.
Nếu chúng ta không kìm lạm phát ở mức một con số thì tác động về
kinh tế một phần nhưng tác động tâm lý xã hội rất lớn. Bởi vì lạm phát
là thuế vô hình đánh vào toàn dân. Mà người thu nhập càng cố định thì
thiệt hại càng lớn.
Một trong những nguyên nhân khiến
lãi suất không hạ được và lạm phát như ông vừa đề cập là do lượng phát
hành trái phiếu chính phủ quá lớn. Năm nay Chính phủ đã trình giảm số
lượng trái phiếu xuống, theo ông, mức giảm đó đã hợp lý chưa?
Tôi cho đây là một vấn đề lớn khác để thay đổi phương thức, cách
đầu tư ngân sách. Chúng ta phải thuân thủ hai nguyên tác đầu tư: Một là
phí tổng cơ hội, cái gì có hiệu quả trước ta làm trước, làm có lựa chọn
chứ không dàn đều.
Thứ hai là phải tuân thủ tính đồng bộ và phải làm nhanh. Thay vì
chi ngân sách trải đều tất cả các tỉnh thành, các ngành mỗi thứ một chút
và kéo dài dự án 3 năm, 5 năm, 7 năm mới hoàn thành; chúng ta tập trung
đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên trước.
Gốc vấn đề là thay đổi phương thức, cách thức đầu tư ngân sách.
Chúng ta không thể nói dừng phát hành trái phiếu được, bởi đang còn
nhiều công trình dở dang.
Vậy với mức lạm phát như hiện nay ảnh hưởng thế nào tới mục tiêu kéo lãi suất xuống?
Chính phủ muốn kéo lãi suất xuống là đúng nhưng phải hiểu không thể
giảm trong một sớm một chiều được. Bởi lãi suất có giảm hay không còn
phụ thuộc vào cung cầu tín dụng và kỳ vọng vào chỉ số lạm phát.
Ví dụ như giữa năm chúng ta kỳ vọng 7%, để bảo đảm lãi suất dương
là 2,5% thì lãi suất huy động phải rơi vào 9,5%; còn bây giờ, khi kỳ
vọng lạm phát lên 9%, rồi cộng 2% nữa là lên 11%.
Vậy làm sao chúng ta kéo xuống ngay được? Nếu kéo lãi suất thực
dương xuống quá thấp, tôi còn lo người dân, doanh nghiệp không gửi tiền
vào ngân hàng nữa mà chuyển sang đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế là
hỏng.
Tuy nhiên, Chính phủ cần phải rõ ràng, minh bạch và cam kết mạnh mẽ hơn trong việc kiềm chế lạm phát năm 2010.
Thưa ông, hiện chính sách tiền tệ
đang bị chính sách tài khóa đi ngược lại. Theo báo cáo của Chính phủ,
đầu tư cho phát triển tăng đến 43% so với con số Quốc hội thông qua cuối
năm ngoái?
Đây là điểm tôi băn khoăn.
Từ đầu năm, chính sách tiền tệ dường như có một sự thắt chặt hơn, để
phục vụ cho mục tiêu chống lạm phát còn tài khóa lại mở ra. Đây là một
sự thiếu đồng bộ, thậm chí là yếu nhất trong điều hành năm 2010.
Sau lần ra mắt người tiêu dùng Việt Nam tại triển lãm VAMA 2010, hôm nay (14/1), dòng xe hạng D Honda Accord 2011, chính thức ra mắt tại Hà Nội với giá bán 1 tỷ 660 triệu VNĐ (đã bao gồm VAT).